Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

VỀ MỘT KIỂU “NGHIÊN CỨU” NHẠC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM (PHẦN 2)

Thế rồi vài hôm sau, Tuyên lại gọi điện xin tôi cho phép đứng tên chung, anh ta nói cần công bố tư liệu này ở tham luận hội nghị ICTM và sẽ viết thêm phần giới thiệu lịch sử bản ký âm. Vốn coi những gì mình đã làm chỉ là những thao tác nhỏ không đáng kể, và thấy Tuyên nói việc công bố ở hội nghị quốc tế cũng là một tác động tốt cho đờn ca Tài tử trong khi chờ UNESCO công nhận danh hiệu thế giới, nên tôi vui vẻ đồng ý. Và, Tuyên đã viết thêm vào mở đầu, đăng vài tấm hình tư liệu cho bản tham luận (2,5 trang/ 7trang). Các nghiên cứu của tôi được Tuyên xếp phía dưới (4,5 trang/7 trang toàn bộ tham luận), nói là chỉnh lại đề mục cho hợp nhất với phần thêm vào của anh ta.







Khoảng một tháng sau đó, Tuyên lại gọi điện nói muốn đăng bản tham luận trên một tạp chí chuyên ngành trước khi công bố ở hội nghị quốc tế ICTM. Với tôi điều này hơi lạ bởi thường thì không ai làm ngược như thế. Tuy nhiên, tôi cũng giới thiệu Tuyên cho anh Đặng Hoành Loan, người phụ trách nội dung của Tạp chí Nghiên cứu âm nhạc (Viện Âm nhạc). Đồng thời, Tuyên cũng nhờ tôi giới thiệu với Tạp chí Văn hóa nghệ thuật để xin đăng một bài nghiên cứu khác, tôi cũng vui vẻ tạo điều kiện cho anh ta liên lạc. Rồi một ngày, trưởng ban biên tập Tạp chí Văn hóa nghệ thuật gọi cho tôi xuống nói bài viết đồng tác giả của Tuyên với Nguyễn Đức Hiệp có vấn đề, yêu cầu tôi thẩm định. Đọc qua mới biết, hóa ra Tuyên ngầm đưa các nghiên cứu của tôi vào bài viết chung với tác giả khác. Trong đoạn giới thiệu bản Danse De L’indo-chine, Tuyên viết “Chúng tôi xin đưa ra vài nhận xét sơ khởi để đóng góp vào việc nghiên cứu tài liệu quan trọng này”. Và những chi tiết nghiên cứu quan trọng trình bày sau đó chủ yếu trích từ nghiên cứu của tôi (như đã giới thiệu), nhưng được trình bày như thể nghiên cứu của họ (“Chúng tôi” ở đây có nghĩa là Tuyên + Hiệp phát hiện). Điều này với tôi quá bất ngờ, từ việc nhờ phân tích, phục dựng tái tạo bản ký âm của Tiersot, rồi đến việc xin viết thêm để đứng tên chung cho bản tham luận ICTM, cuối cùng Tuyên đã ngang nhiên “cầm nhầm” nghiên cứu của tôi rồi lôi cả người khác (Nguyễn Đức Hiệp) vào cuộc. Sau khi tôi đưa ra các bằng chứng xác thực, ban biên tập Tạp chí quyết định không đăng bài viết đạo tặc khoa học này.
Từ đó, Tuyên hầu như không liên lạc với tôi nữa. Rồi cuộc sống cuốn trôi đi, tôi tuy rất giận nhưng cũng dần quên hẳn vụ việc. Đến đầu tháng 7, tình cờ hay tin trên Facebook chuyện báo chí phía Nam đồng loạt tôn vinh một nhà nghiên cứu mới mang tên Nguyễn Lê Tuyên, được giới thiệu là nhà nghiên cứu Cồng chiêng Tây NguyênNhạc Tài tử Nam Bộ. Thấy lạ, tôi liền vào mạng xem thử, hóa ra việc nghiên cứu và tái tạo bản Vũ khúc Đông dương của tôi tiếp tục được Tuyên tận dụng để công bố khá hoành tráng. Nhân đó tìm hiểu, tình cờ phát hiện ra nhiều vấn đề khá bất ngờ.
-Thứ nhất: Không biết Tuyên nói những gì mà bài báo trên vietnamplus.vn đã đề cao chuyện này thành to tát và ngoa ngôn khi coi đây là “bản nhạc Tài tử cổ nhất Việt Nam được nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên phát hiện”, như một sự kiện chấn động. Ở bài viết này, Tuyên vẫn nhắc đến việc tôi phục dựng, tái tạo bản nhạc ra sao. Cũng qua bài báo, mới hay anh ta đã đưa bản nhạc đó cho một nhóm nghệ sĩ đờn ca Tài tử ở Tp.Hồ Chí Minh biểu diễn mà không hề báo tin cho tôi- vốn là người phục chế, biên soạn để Vũ khúc Đông dương có thể diễn tấu được. Và dàn nhạc này sẽ được đưa đi trình diễn tại hội thảo ICTM ở Thượng Hải từ 11- 18/7/2013.
Sau đó báo điện tử VTV4 (http://vtv4.vn/newsdetail/6335) đăng lại, cắt xén thành “Nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên đã hiệu đính lại bản ký âm của Julien Tiersot theo phong cách của nhạc tài tử với các ký tự nhạc thanh truyền thống là hò, xừ, xang… Việc làm này giúp những người trong làng nhạc tài tử dù không hiểu được nốt nhạc phương Tây cũng vẫn chơi được bản nhạc cổ này.” Điều lạ lùng là link bài viết này được Tuyên đăng trên trang Facebook của anh ta, không một lời thanh minh?!
-Thứ hai: Trong trả lời phỏng vấn trên thegioivanhoa.com.vn ngày 4/7/2013, không hề nhắc đến tôi, Tuyên công khai tự nhận mình là người “tái tạo” bản Vũ khúc Đông dương, và cho phát bản nhạc trên phần mềm chép nhạc (xem phút thứ 4:00). Trong bài báo, Tuyên được tôn vinh là người “đã và đang đóc góp rất nhiều cho đờn ca tài tử.., người đang nghiên cứu về đờn ca tài tử để quảng bá loại hình này với UNESCO..,” và nghiễm nhiên được coi như người “phục chế” bản Vũ khúc Đông dương! Rồi từ câu chuyện về Claude Debussy mà tôi từng chia sẻ, Tuyên đã nhân rộng thành “đờn ca tài tử cũng ảnh hưởng đến vài sáng tác của nhà soạn nhạc Claude Debussy” và coi như phát hiện của anh ta!
Hình ảnh chụp lại cho thấy rõ (phía trên màn hình) 2 khuông cuối bản nhạc mà tôi đã hiệu đính, chia nhịp cụ thể như thế nào.
-Thứ ba: Trên đài phát thanh SBS của Úc, ngày 16/8/2013, Tuyên và anh Nguyễn Đức Hiệp cũng trả lời phỏng vấn về nhạc Tài tử, Tuyên cũng mắc lỗi “cầm nhầm” tương tự (nghe phút 14:01- 15:05) khi cho phát bản nhạc trên phần mềm mà không hề nói là của tôi hiệu đính, tái tạo. Và, mọi người đương nhiên coi đó là lao động tri thức của Nguyễn Lê Tuyên.
          Đến cuối tháng 9/2013, nghe tin cuốn sách Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối TK19 đầu TK20 của Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp được NXB Văn hóa- Văn nghệ Tp.HCM phối hợp cùng công ty Phương Nam xuất bản. Trên báo chí, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên tiếp tục được coi như người “đã phục dựng lại” bản Vũ khúc Đông Dương, còn tôi được nhắc đến như chỉ làm mỗi cái việc “chuyển sang ký âm nhạc truyền thống (xàng, hò, xừ…) để những nghệ nhân không biết về nhạc lý phương Tây vẫn có thể biểu diễn.” Với “hào quang mới” dưới vai một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, khỏi nói Tuyên được tung hô như thế nào.
Sau khi thấy thái độ Nguyễn Lê Tuyên như vậy, tôi không coi anh ta như một người bạn, người anh thân thiết nữa. Nên đôi lần thấy số điện thoại (chắc của Tuyên) gọi nhưng tôi không bắt máy. Duy nhất có một lần không nhìn số gọi đến, vô tình nhấc máy, sau màn xã giao, Tuyên kể rằng một GS người Mỹ nghiên cứu đờn ca tài tử đã liên lạc với Tuyên, yêu cầu Tuyên giải thích rằng căn cứ vào đâu mà Tuyên lại xác định bản ký âm Vũ khúc Đông dương thuộc hơi Bắc của nhạc tài tử? Rồi Tuyên năn nỉ tôi giải thích cho Tuyên hiểu để anh ta còn… diễn giải lại cho ông GS người Mỹ nọ! Cố thuyết phục tôi, Tuyên nói rằng trong các nhà nghiên cứu ở Việt Nam, bây giờ anh ta chỉ còn tin mỗi mình tôi thôi, rằng với kiến thức như tôi, tôi phải có nhiệm vụ truyền bá âm nhạc Việt Nam ra thế giới, và anh ta sẽ… giúp tôi làm điều đó...(!) Tôi lúc này đang ốm, mẹ già cũng đang bệnh, khá điên tiết nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh từ chối, thật không thể hiểu nổi!?
          Sau buổi họp báo giới thiệu sách ngày 27/9/2013, có lẽ chột dạ, trên trang Facebook của mình, Nguyễn Lê Tuyên đã viết “Điều tôi trăn trở nhất hôm nay là báo chí đã bỏ qua thông tin về vai trò rất quan trọng của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền trong việc chuyển bản ký âm Danse De L’indo-chine ra chữ Đàn, mặc dù tôi đã khẳng định rất nhiều lần trong tất cả các bài viết nghiên cứu và trong cuốn sách mới xuất bản. Tuy tôi là người đã phát hiện, việc phục dựng bản Vũ khúc Đông dương đều dựa vào nhận định chuyên môn của anh Hiền. Tôi mong báo chí phải có sự thông tin rõ ràng về chi tiết này. Của Sésar, phải trả cho Sésar.” Ngay lập tức, một nickname đã phản ứng: “Báo chí bỏ qua có 2 lý do. Lý do đầu tiên là vì trong buổi giới thiệu hôm nay, cách trình bày của anh không làm bật được vấn đề này. Thứ hai là, có lẽ số người hiểu chữ Đàn là gì trong khán phòng quá hiếm. Vì vậy mà không hiểu tầm quan trọng của nó. Khi người ta không cảm được vấn đề thì không thể quan tâm!...” Một nickname khác (có lẽ là nhà báo Lê Hữu Nam đã viết về Tuyên) nói: “Ý anh Tuyên có phải là, ông Bùi Trọng Hiền là người chuyển ký âm phương Tây (Do re mi…) của bản Danse De L’indo-chine (Vũ điệu Đông Dương) của Tiersot sang ký âm nhạc truyền thống (Hò, xừ, xang…)?”. Và Tuyên trả lời: “Chính xác!”. Nickname Lễ Hữu Nam viết tiếp: “Vấn đề này anh Tuyên đã có đề cập trong sách ở trang 87 rồi. Đây là chi tiết mấu chốt sau cùng của bản ký âm Danse De L’indo-chine, trước khi chúng ta thưởng thức trọn vẹn Vũ điệu đông dương từ chính các nghệ sĩ của chúng ta. Vậy là nhất quán thế nhé anh? ” Tuyên nhấn nút like ý kiến này thay cho câu trả lời của anh ta.
Sau đó, Tuyên có comment giới thiệu qua là trong trang 87 cuốn sách đã nhắc đến tôi như thế nào.
Ở đây, câu chuyện trở nên thật kỳ quái. Một mặt Tuyên chơi trò lập lờ đánh lận con đen trên truyền thông, lúc thì lờ vai trò các nghiên cứu của tôi để tự nhận mình là người phục chế bản nhạc, lúc thì nhắc đến công lao của tôi với kiểu khẳng định hùng hồn cái việc chuyển bản ký âm Danse De L’indo-chine từ do, re, mi… thành hò, xự, xang… Cần phải nói rằng với người nghiên cứu trong nghề, việc chuyển ký tự nhạc thanh kiểu Tây thành kiểu ta là một thao tác hết sức đơn giản, cái mà bất cứ sinh viên âm nhạc nào của tôi cũng thực hiện được. Nực cười là việc đó được Tuyên nhấn mạnh như một “ công lao lớn”, trong khi “vô tình” bỏ qua các thao tác quan trọng của tôi phục chế bản ký âm cổ nhạc - những đầu việc mà anh ta vốn không đủ trình độ tác nghiệp. Với kiểu câu chữ cảm ơn tôi “đã có những nhận định chuyên môn”, người ngoài cuộc sẽ không thể biết được sự thật vai trò chuyên môn của tôi là gì.
Ngay tối khuya 27/9, nhà báo Đặng Thu Hương (mẹ cu Tí) có gọi điện cho tôi nói Tuyên nhờ liên lạc giúp, rằng anh ta đã gọi cho tôi nhiều lần không được, rồi hỏi tôi có chuyện gì mà Tuyên định nhờ Hương dàn xếp trung gian để Tuyên bay ra Hà Nội xin lỗi tôi? Sau đó, viện lí do không đủ tiền vé máy bay, Tuyên nói sẽ không ra Hà Nội nữa.
          Lúc này, Tuyên vẫn là friend trong Facebook của tôi, có lẽ thấy tôi không phản ứng gì nên hôm sau, anh ta lại giật status kế tiếp với nội dung đại ý cảm ơn tôi cùng nhiều nhà nghiên cứu khác mà anh ta coi như người thầy “đã tận tình hướng dẫn” Tuyên nghiên cứu âm nhạc. Tuyên viết tiếp- “Đặc biệt, tôi xin cảm ơn nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã có những nhận định chuyên môn về Vũ khúc Đông dương và chuyển ký âm Phương Tây ra chữ Đàn.
Ngày 28/9, Tuyên có gửi mail cho tôi cùng Đặng Thu Hương với nội dung xin lỗi chung chung, kèm cả bản PDF cuốn sách.
Cũng xin nói thêm, sau khi sự việc xảy ra, thấy nghi ngờ, tôi lập tức liên lạc với mấy người bạn bên Viện Âm nhạc cũng đi hội thảo ICTM Thượng Hải cùng Tuyên. Họ trả lời rằng tham luận của Tuyên không phân tích về Vũ khúc Đông dương, và khi giới thiệu dàn nhạc tài tử biểu diễn bản nhạc này, Tuyên cũng không nhắc gì đến tôi, họ có quay hình lại toàn bộ tham luận đó. Đến đây, có lẽ đã thấy rõ lần hồi đường đi nước bước của câu chuyện. Từ việc xin giúp đỡ, phân tích đánh giá, phục dựng tái tạo một bản ký âm không hoàn chỉnh, rồi đến việc xin đứng tên chung để làm bản tham luận gửi đi hội thảo quốc tế, cuối cùng được công bố trong sách viết chung với người khác.
Ngày 1/10/2013, Tuyên có viết một lá thư dài gửi cho tôi và Đặng Thu Hương với nhiều đề mục trả lời email của Hương, là vì trước đó được biết Hương đã có phản ứng với 2 tác giả cuốn sách và đưa ra những yêu cầu cải chính... Trong email của Tuyên, đại thể có nhiều sự thanh minh, rồi chứng minh tính trong sạch khoa học của anh ta... Đáng chú ý là chi tiết cho rằng việc trả lời ông GS người Mỹ về những thao tác nghiên cứu Vũ khúc Đông dương là việc Tuyên phải “kiểm chứng” bởi đó là nghiên cứu của tôi; hay chuyện Tuyên nhờ tôi xin Viện Âm nhạc đăng bài nghiên cứu được đánh tráo thành “Anh Hiền đã đề nghị gửi bài này cho Tạp chí Âm nhạc”… Không biết một nhà nghiên cứu cổ nhạc như tôi cớ sao phải xin đăng bài chuyên môn với một giáo viên guitar Tây như Nguyễn Lê Tuyên?! Và thật vô tình, buổi tối nhận được lá thư  “đáp nghĩa” của Tuyên lại đúng vào thời khắc mẹ tôi vừa qua đời trước đó vài giờ, cảm giác thật bất nhẫn, đành tạm gác mọi việc sang bên!

(Còn nữa)

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn chú Hiền đã cho em hiểu thêm... "đời'
    Chúc chú sức khỏe dồi dào để đòi lại những tinh hoa cổ nhạc đang bị "bán bỏ, rơi lạc, lai ghép, vẽ vời" vô tội vạ!

    Trả lờiXóa