LTS: Tôi vốn không định nói ra chuyện này, nhưng đáng tiếc, câu chuyện
buồn mà tôi sắp kể giờ đây đã liên quan đến khá nhiều người, nên buộc phải viết
ra để dư luận sáng tỏ, cũng coi như giúp giới truyền thông tránh được những
nhầm lẫn không đáng có về một “nhà nghiên cứu” mới xuất hiện. Và, cách đây hơn
1 tháng, sau các diễn biến sự vụ, dù tôi chưa ra lời, anh ta đã chặn Facebook
của tôi, hẳn ngăn tôi đọc thông tin của anh ta và gần đây hình như đã xóa hẳn Facebook,
nhưng tôi vẫn còn đủ bằng chứng, dấu vết để nói lên sự thật.
Nguyễn
Lê Tuyên gặp tôi lần đầu cách đây hơn 2 năm, tự giới thiệu là nghệ sĩ guitar,
giảng dạy ở Australian
National University .
Vốn là khách mời của Viện tôi (VICAS), lúc đầu Tuyên được ông viện trưởng giới
thiệu gặp vài người được cho là hiểu biết nhất về nhạc cổ truyền ở Viện (tất
nhiên không có tôi) và được tặng một mớ sách liên quan. Anh ta cho biết do quá
thất vọng nên đã tìm cách liên lạc với giới những người có uy tín và được giới
thiệu gặp tôi. Thổ lộ rằng rời xa quê hương từ nhỏ, Tuyên tự nhận mình là người
Tây học 100% và không hiểu gì về nhạc dân tộc. Qua đó, Tuyên bộc lộ khát khao
tìm hiểu lý thuyết âm nhạc dân tộc để lấy chất liệu sáng tác cho đàn guitar.
Những mong được kết giao, Tuyên ngỏ ý xin tôi thuyết trình về đủ mọi kiến thức
cần thiết trong bể học mênh mông về cổ nhạc Việt Nam .
Thời còn ở Học viện Âm nhạc quốc gia, tôi vốn
cũng từng thử nghiệm phương pháp lý
thuyết ứng dụng với một số sinh viên sáng tác để kiểm tra các kết quả
nghiên cứu của mình. Giờ thấy Tuyên có ý định đó nên sẵn lòng chia sẻ hết mình,
không chút mảy may nghi ngờ vì anh ta đâu phải chuyên ngành nghiên cứu. Mặt
khác, được biết Tuyên cũng là bạn bè với mẹ cu Tí (chị Đặng Thu Hương- nhà báo
Đài truyền hình Việt
Từ đó trở đi, bằng cách này hay cách khác, qua điện
thoại, qua email hay gặp gỡ trực tiếp mỗi khi anh ta về nước, Tuyên đều tìm mọi
cách khai thác, còn tôi vô tư giảng giải đủ điều nhằm giúp anh ta nhận diện lý
thuyết về Ca trù, Hát Văn, Xẩm, Quan họ, Chèo, Tuồng, Nhạc Cung đình Huế… Tôi
cũng chia sẻ chuyện xưa trên lớp, thầy tôi- PGS,TS Vũ Nhật Thăng đã từng kể câu
chuyện về nhạc sĩ trường phái ấn tượng Pháp Claude Debussy đã ngưỡng mộ dàn
nhạc kèn trống 2 người An Nam trong triển lãm hội chợ Đông Dương hồi đầu thế kỷ
ở Paris ra sao... Qua đó muốn Tuyên hiểu được nhạc cổ Việt Nam hay như thế nào. Theo yêu cầu
của Tuyên, các chủ đề thuyết giảng đặc biệt nhấn sâu về cồng chiêng Tây Nguyên và Tài
tử- Cải lương. Khi Tuyên nói muốn chơi nhạc cồng chiêng trên classic
guitar, tôi đã khuyên anh ta nên thửa một cây đàn cần trơn không phím, mới mong
biểu hiện được thang âm cồng chiêng. Rồi để thỏa mãn yêu cầu nắm bắt lý thuyết,
tôi còn gửi cho Tuyên 2/3 cồng trình nghiên cứu cồng chiêng Tây Nguyên của mình
để Tuyên hiểu được nguyên lý nghệ thuật của nền nhạc độc đáo này.
Trên cơ sở đó, Tuyên bắt đầu sử dụng những kiến thức mà tôi trao truyền để tham gia các hội thảo quốc tế. Lúc này, anh ta khá thận trọng, mỗi trích dẫn kiến thức của tôi trong tham luận ở hội thảo như thế nào.., Tuyên đều báo cho tôi biết, thậm chí còn đưa ảnh chụp hình bản powerpoint lên Facebook để chứng minh.
Trong email, Tuyên viết rằng “tâm nguyện sẽ phổ biến các công trình quý giá này trên thế giới”.
Thú thật lúc đó tôi thấy hơi ngồ ngộ, có lẽ Tuyên nghĩ tôi cũng như số đông,
mong ước cái danh tiếng ở nước ngoài nên mới viết thế, dù chẳng phải người như
vậy nhưng tôi cũng bỏ qua, coi như tấm lòng của anh ta. Cũng có lần Tuyên ngỏ ý
muốn mời tôi sang Úc dự hội thảo, nhưng tôi đã từ chối. Lúc này tôi bắt đầu có
cảm giác lạ vì chưa thấy Tuyên tiến hành soạn nhạc dân tộc như dự định, vẻ như
chỉ lo đăng đàn các hội thảo khoa học quốc tế, có thể anh ta mong ước điều gì
chăng?! Mặt khác, trong một lần về nước, Tuyên có tiết lộ rằng đã xây dựng một
giáo trình dạy nhạc cồng chiêng Tây Nguyên ở Australian National
University , căn cứ trên
cồng trình nghiên cứu của tôi. Và, Tuyên cũng nhờ tôi mua dùm trường một dàn
cồng chiêng để thực hành. Điều này khá bất ngờ, bởi trước đó anh ta không hề
hỏi ý kiến, bàn bạc hay xin phép đúng như thủ tục khoa học kiểu các nước phương
Tây. Tự nhủ dù sao anh ta cũng giúp mình quảng bá nhạc cồng chiêng sang Úc,
thôi thì cho qua! Thế nên khi đọc qua giáo trình, tôi đã giúp Tuyên phát hiện
một tài liệu đạo tặc khoa học của ông Viện trưởng Vicas Nguyễn Chí Bền mà Tuyên
định sử dụng làm bài giảng. Tôi cũng giúp Tuyên lập tức liên lạc với GS Tô Ngọc
Thanh để xác nhận việc ăn cắp của ông Bền. Lúc đó anh ta toát mồ hôi nói rằng ở
bên Úc hay các nước phương Tây, những trường hợp đạo tặc như vậy sẽ bị đuổi
việc ngay lập tức. Về sau, khi tôi xin văn bản đạo văn tiếng Anh đó, Tuyên nói
bản này muốn down về phải trả tiền và xin khất vì còn muốn giữ quan hệ với ông
Bền mỗi khi về nước. Và, mãi đến 10/7/2013, anh ta mới gửi bản PDF đạo văn đó
cho tôi, cũng yêu cầu giữ kín nguồn thông tin để giữ tiếng cho anh ta với ông
Chí Bền.
Ngày 2/4/2013, Tuyên gửi email cho tôi nhờ đánh giá
một bản ký âm được cho là nhạc Tài tử Nam bộ của nhà nghiên cứu người
Pháp Tiersot với tên gọi Danse De L’indo-chine (Vũ khúc Đông dương). Anh ta ngỏ
ý muốn viết một tham luận tại hội nghị ICTM (Hội đồng âm nhạc truyền thống quốc
tế) ở Thượng Hải vào tháng 7/ 2013 về bản ký âm này nên nhờ tôi phân tích kỹ
lưỡng.
Thấy tư liệu mới lạ, tôi đã bắt tay vào phân tích nhanh và gửi cho Tuyên bản nhận xét lần thứ nhất ngay trong ngày hôm đó. Mọi nhận định đều dựa trên hệ thống lý thuyết nhạc Tài tử mà tôi đã nghiên cứu, đúc kết từ hơn 20 năm qua.
Ba hôm sau (5/4/2013), Tuyên đồng loạt gửi bản ký âm
của Tiersot cho hơn 10 nhà nghiên cứu khác, trong đó ghi rõ nhận định ban đầu
của tôi để xin ý kiến đánh giá. Lúc này, tôi rất ngạc nhiên vì việc nhạc Tài tử
có mặt ở Paris từ đầu thế kỷ XX trong hội chợ Đông dương đã được ghi nhận từ
lâu, nhưng Tuyên lại nói đó là “nghiên cứu mới” của anh ta! Mặt khác, có vẻ như
Tuyên muốn trưng dụng tri thức của số đông, còn bản thân mình chỉ đóng vai liên
lạc, kết nối?!
Không hiểu mọi người nhận được email có phản hồi hay không nhưng ngay sau đó, Tuyên gọi điện năn nỉ tôi phân tích chi tiết hơn và hỏi tôi liệu có thể phục chế để tái tạo bản nhạc này? Bởi “Vũ khúc Đông dương” vốn chỉ là một bản nháp ký âm chưa hoàn chỉnh. Trong đó ghi cao độ ước lệ theo do, re, mi.., không xác định âm điệu cơ bản, không có nhịp, không phân câu (có thể học giả người Pháp không ký âm được hoặc do không hiểu nhịp của nhạc Tài tử nên vạch nhịp rất lung tung). Nếu không hiệu đính chỉnh sửa, bản nhạc đó sẽ không thể trình diễn. Đương nhiên Nguyễn Lê Tuyên hoàn toàn không có kiến thức cũng như khả năng làm việc này. Qua vài lần điện thoại, tôi nói rõ rằng mọi thao tác phục dựng đương nhiên sẽ là những dấu ấn mới thời nay dựa trên phương pháp lý thuyết ứng dụng mà tôi đã đúc kết, có nghĩa bản nhạc tái tạo khi đó là biên soạn chủ quan của cá nhân tôi chứ hoàn toàn không phải bài cổ nhạc nguyên bản. Sau khi tính toán từng chi tiết, tôi đã tiến hành các thao tác sau:
+Thứ nhất:
Chia lại nhịp, câu, đoạn cho bản Vũ khúc Đông dương với những nguyên tắc lý
thuyết chung về nhịp một của các tiểu
bản Bắc trong nhạc Tài tử.
+Thứ hai:
Căn cứ trên bước đi giai điệu, xác định tính chất âm điệu cơ bản cho Vũ khúc
Đông dương là Hơi Bắc của nhạc Tài
tử. Trên cơ sở đó, người chơi đàn sẽ biết phải rung nhấn luyến láy theo nguyên
tắc nào.
Đây là những yếu tố quan trọng cần xác định để có thể
tái tạo, chơi lại giai điệu bản nhạc này. Bên cạnh đó, tôi còn gửi Tuyên cả bản
nhạc hiệu đính được chép trên phần mềm Encore, sẽ tự chơi ra giai điệu mô phỏng
trên máy tính. Biết rằng có nhiều phần mềm tương tự, tôi cũng gợi ý Tuyên làm
vậy nếu muốn nghe thử tuyến giai điệu tái tạo. Tiện thể, tôi cũng chuyển luôn
hệ ký tự nhạc thanh từ do, re, mi… sang hò, xự, xang… để Tuyên hiểu mối quan hệ
tương đối, cũng nhằm mục đích cho những ai quen hệ thống nhạc thanh dân tộc dễ
nắm bắt. Khi Tuyên hỏi liệu có thể chơi lại bản nhạc đã tái tạo không? Tôi phì
cười rồi khẳng định rằng khi đã xác định được Hơi (âm điệu cơ bản) và Nhịp
thì có thể chơi lại bản nhạc dễ dàng, ai biết đọc nhạc đều chơi được, nhất là
dân đờn ca tài tử, chỉ cần rung nhấn, luyến láy theo đúng quy luật Hơi Bắc, nên
có thể dàn dựng lại để công bố.
Cũng hiểu được Tuyên vui mừng như thế nào khi nhận
được tài liệu của tôi, có lẽ ngoài tôi ra không ai có ý kiến gì?!
(Xin xem tiếp phần 2 tại đây)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét