Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

VỀ MỘT KIỂU “NGHIÊN CỨU” NHẠC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM (PHẦN 3)

ĐẠO TẶC KHOA HỌC TRONG CUỐN SÁCH “HÁT BỘI, ĐỜN CA TÀI TỬ VÀ CẢI LƯƠNG CUỐI TK19 ĐẦU TK20” CỦA NGUYỄN LÊ TUYÊN, NGUYỄN ĐỨC HIỆP

Dưới đây, xin phân tích những chi tiết đạo tặc khoa học trong cuốn sách Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối TK19 đầu TK20, phần do Nguyễn Lê Tuyên viết trong sự đối sánh với bản gốc của tôi, như đã trình bày ở phần trước.
-Trang 85: Khi giới thiệu những nghiên cứu về mặt âm nhạc học bản Vũ điệu Đông dương, tác giả cuốn sách đã viết: “chúng tôi xin đưa ra vài nhận xét sơ khởi để đóng góp vào việc nghiên cứu tài liệu quan trọng này”. Đây là điều phi lý bởi “chúng tôi” ở sách là đồng tác giả Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp, thế nhưng kết quả nghiên cứu trình bày sau đó lại chủ yếu là của tôi (Bùi Trọng Hiền). Mặt khác, như khởi đầu vụ việc, Tuyên vốn xin tôi được đứng chung tên ban đầu để làm bản tham luận cho anh ta đi hội thảo, nhưng anh ta đã không làm vậy. Còn nếu đăng nghiên cứu của tôi vào cuốn sách chung tên với người khác, lẽ ra Tuyên phải xin phép tôi trước. Nên nhớ cuốn sách này xuất bản (tháng 7/2013) trước khi bài của Tuyên in chung với tôi được đăng trên tạp chí Nghiên cứu âm nhạc (Viện Âm nhạc), thế nên việc trích dần nguồn tài liệu của tôi “sắp xuất bản” trong cuốn sách là điều thật khôi hài. Ngoài ra, như đã biết, Vũ điệu Đông dương vốn là một bản ký âm không hoàn chỉnh theo kiểu do, re, mi… Vì thế nhận định “Khác với các sách vở bài bản nhạc tài tử ở Việt Nam với chữ đàn, tài liệu này ghi thêm rất nhiều chi tiết theo âm nhạc Tây phương” của Nguyễn Lê Tuyên là một sự so sánh mơ hồ, gây hỏa mù với độc giả.

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

VỀ MỘT KIỂU “NGHIÊN CỨU” NHẠC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM (PHẦN 2)

Thế rồi vài hôm sau, Tuyên lại gọi điện xin tôi cho phép đứng tên chung, anh ta nói cần công bố tư liệu này ở tham luận hội nghị ICTM và sẽ viết thêm phần giới thiệu lịch sử bản ký âm. Vốn coi những gì mình đã làm chỉ là những thao tác nhỏ không đáng kể, và thấy Tuyên nói việc công bố ở hội nghị quốc tế cũng là một tác động tốt cho đờn ca Tài tử trong khi chờ UNESCO công nhận danh hiệu thế giới, nên tôi vui vẻ đồng ý. Và, Tuyên đã viết thêm vào mở đầu, đăng vài tấm hình tư liệu cho bản tham luận (2,5 trang/ 7trang). Các nghiên cứu của tôi được Tuyên xếp phía dưới (4,5 trang/7 trang toàn bộ tham luận), nói là chỉnh lại đề mục cho hợp nhất với phần thêm vào của anh ta.

VỀ MỘT KIỂU “NGHIÊN CỨU” NHẠC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM (PHẦN 1)

LTS: Tôi vốn không định nói ra chuyện này, nhưng đáng tiếc, câu chuyện buồn mà tôi sắp kể giờ đây đã liên quan đến khá nhiều người, nên buộc phải viết ra để dư luận sáng tỏ, cũng coi như giúp giới truyền thông tránh được những nhầm lẫn không đáng có về một “nhà nghiên cứu” mới xuất hiện. Và, cách đây hơn 1 tháng, sau các diễn biến sự vụ, dù tôi chưa ra lời, anh ta đã chặn Facebook của tôi, hẳn ngăn tôi đọc thông tin của anh ta và gần đây hình như đã xóa hẳn Facebook, nhưng tôi vẫn còn đủ bằng chứng, dấu vết để nói lên sự thật.
          Nguyễn Lê Tuyên gặp tôi lần đầu cách đây hơn 2 năm, tự giới thiệu là nghệ sĩ guitar, giảng dạy ở Australian National University. Vốn là khách mời của Viện tôi (VICAS), lúc đầu Tuyên được ông viện trưởng giới thiệu gặp vài người được cho là hiểu biết nhất về nhạc cổ truyền ở Viện (tất nhiên không có tôi) và được tặng một mớ sách liên quan. Anh ta cho biết do quá thất vọng nên đã tìm cách liên lạc với giới những người có uy tín và được giới thiệu gặp tôi. Thổ lộ rằng rời xa quê hương từ nhỏ, Tuyên tự nhận mình là người Tây học 100% và không hiểu gì về nhạc dân tộc. Qua đó, Tuyên bộc lộ khát khao tìm hiểu lý thuyết âm nhạc dân tộc để lấy chất liệu sáng tác cho đàn guitar. Những mong được kết giao, Tuyên ngỏ ý xin tôi thuyết trình về đủ mọi kiến thức cần thiết trong bể học mênh mông về cổ nhạc Việt Nam.